Sự xuất hiện các liệu pháp mới trong việc kiểm soát ung thư phổi đã cải thiện đáng kể khả năng kiểm soát bệnh lâu dài và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Bác sĩ Chin Tan Min, chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa giải thích.
Ảnh minh họa. Nguồn: Parkway cancer centre
Cho đến bây giờ, phương pháp điều trị ung thư phổi thông thường vẫn là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Vì ung thư phổi không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, nên bệnh nhân thường bắt đầu có biểu hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển, khi đó chỉ điều trị thông thường sẽ không thể loại bỏ ung thư hiệu quả.
May mắn thay, nhờ những tiến bộ trong điều trị ung thư phổi những năm qua, các liệu pháp mới như liệu pháp miễn dịch đã trở thành một lựa chọn điều trị khả thi cho bệnh nhân ung thư.
Liệu pháp miễn dịch là gì?
Hệ thống miễn dịch của chúng ta có khả năng nhận biết và loại bỏ các “vật thể lạ” xâm nhập cơ thể, chẳng hạn như vi-rút và mầm bệnh.
Tuy nhiên, các tế bào ung thư có khả năng tự ngụy trang và tránh bị các tế bào miễn dịch phát hiện nên rất khó để tìm thấy và tiêu diệt chúng.
Liệu pháp miễn dịch sử dụng các loại thuốc được gọi là thuốc ức chế điểm kiểm soát cho phép hệ thống miễn dịch phát hiện các tế bào ung thư ngụy trang và tấn công chúng. Liệu pháp có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với hóa trị.
Điều trị ung thư phổi bằng liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch có hiệu quả với nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư phổi.
Theo mô bệnh học, ung thư phổi có hai loại chính: ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC). NSCLC có thể phân loại thành ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy, tế bào lớn và ung thư biểu mô biệt hóa kém. Cả NSCLC và SCLC đều có thể được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch và kết quả đáp ứng thuốc khá hiệu quả, đặc biệt nếu PDL1 (programmed death-ligand 1) bộc lộ rõ trong khối u.
Liệu pháp miễn dịch có thể dùng điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến triển, hoặc trước đó, hoặc những trường hợp đã được phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Liệu pháp cũng là lựa chọn cho những bệnh nhân có khối u có PDL1 bộc lộ rõ, vì mức độ bộc lộ PDL1 cao sẽ có khả năng đáp ứng tốt hơn khi dùng liệu pháp miễn dịch.
Tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch đôi khi có thể kích thích hệ thống miễn dịch quá mức, khi đó hệ thống miễn dịch lại nhắm mục tiêu vào cơ quan nội tạng của bệnh nhân, chẳng hạn như phổi, gan, ruột kết, và nhiều bộ phận khác cũng có khả năng bị ảnh hưởng.
May mắn thay, bệnh nhân thường dung nạp tốt liệu pháp miễn dịch và các tác dụng phụ hầu hết được đội ngũ y bác sĩ kiểm soát hiệu quả.
Những lợi ích của liệu pháp miễn dịch hơn hẳn nguy cơ. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi sau 5 năm đáp ứng với liệu pháp miễn dịch là khoảng 30%, so sánh với tỷ lệ sống sót 5% nếu không điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp này còn giúp bệnh nhân ung thư giai đoạn 4 kiểm soát bệnh thời gian dài, kéo dài khả năng sống lâu hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tương lai trong điều trị ung thư phổi
Với khả năng kiểm soát lâu dài được cải thiện và nâng cao tỷ lệ sống sót, liệu pháp miễn dịch chính là một lựa chọn điều trị khả thi cho bệnh nhân ung thư phổi.
Tuy nhiên, hóa trị vẫn là phương thức điều trị chính để kiểm soát bệnh. Điều trị kết hợp hóa trị và liệu pháp miễn dịch đã được chứng minh đạt hiệu quả hơn so với liệu pháp miễn dịch đơn thuần, hoặc hóa trị đơn thuần ở bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn 4. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân sau 5 năm được điều trị bằng hóa trị đơn thuần là dưới 5%. Đối với những bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch từ ban đầu, tỷ lệ này đạt khoảng 30%.
Giống như nhiều bệnh ung thư khác, cách điều trị tốt nhất cho bệnh ung thư phổi là phòng ngừa bệnh. Chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc ung thư phổi bằng cách không hút thuốc lá, tránh hút thuốc lá thụ động, duy trì tập thể dục thường xuyên, duy trì các hoạt động, xây dựng chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa ung thư phổi.
Nguồn: Parkway cancer centre
Link gốc bài viết: https://www.parkwaycancercentre.com/sg/news-events/news-articles/news-articles-details/immunotherapy-advances-in-lung-cancer-treatment-2022